Tác giả: ThS. Nguyễn Ngọc Trâm Kha
Tôi tìm thấy cuốn Great Science Project Ideas for Real Kids trong khi đang tìm ý tưởng cho chương trình STEM nơi tôi đang làm việc, ban đầu tôi chỉ bị thu hút bởi nhìn mục lục có tận 40 cái sample projects không giống với những cuốn sách khoa học cho thiếu nhi mà tôi hay đọc. Chà, có vẻ là một cuốn sách đáng để bỏ thời gian ra để ngâm cứu. Nhưng tôi hoàn toàn sai! Không phải “có vẻ” mà là “rất rất đáng để đọc” luôn các bạn ạ. Cuốn sách này cho tôi thấy tôi đang không hề thiếu ý tưởng cho các đề tài, mà tôi hoàn toàn THIẾU TƯ DUY LOGIC khi tiến hành dạy học dự án !! Thật đáng xấu hổ ..
Khái quát một chút thì cuốn sách rất chi là dễ đọc, từ vựng tiếng anh không quá sức khó, kể cả bạn có đang ở trình độ tiếng Anh thấp (B1) thì vẫn có thể đọc được, bởi vì sau khi đưa ra một thuật ngữ nào có vẻ khó khó thì sách cũng đưa giải thích bằng từ vựng đơn giản ngay liền bên cạnh. Tôi ví dụ trích một câu trong sách như sau:
One way that plants produce other plants is by seeds. The sprouting (to begin to grow) of seeds is called germination.
Trong đoạn trên có 2 từ in đậm là sprouting và germination, tôi không biết nghĩa 2 từ đó là gì, nhưng người ta có giải thích là “to begin to grow of seeds”, mà sự bắt đầu phát triển của hạt thì là nhú mầm/nảy mầm rồi chớ còn gì nữa, tra từ điển thì đúng thật. Vô tình tôi học được 2 từ mới luôn, cho nên tôi rất là thích đọc và muốn đọc thật chậm, tại sợ hết mất sách. Cuốn sách cũng không liên quan đến các dự án chế tạo sản phẩm khoa học, cũng không hướng dẫn bạn cách đo đạc các đại lượng hay làm thí nghiệm quan sát hiện tượng nào cả, mà chủ yếu đề cập đến sự ảnh hưởng của đối tượng A lên đối tượng B và cách bạn xác định sự ảnh hưởng đó như thế nào.
Vậy là bớt nỗi lo ngôn ngữ khi đọc cuốn này, tiếp theo tôi sẽ đi vào phần chính là review nội dung sách.
Sách được phân thành 2 mục lớn:
+Science Projects Step by Step
+40 Sample Projects
Cuốn sách Great Science Project Ideas from Real Kids - Janice Van Cleave's
1/SCIENCE PROJECTS STEP BY STEP
Ở phần 1, sách đưa ra quy trình để bạn thực hiện một dự án khoa học, tôi có thể dịch tóm tắt như sau:
a) Có một cuốn nhật kí khoa học, dùng để ghi chép lại từ khi bạn bắt đầu dự án cho đến khi bạn kết thúc nó. Trong nhận kí thì bạn nên ghi rõ các luật lệ và quy tắc khi làm dự án theo nơi bạn học hoặc theo thầy cô của bạn, cần có một lịch kế hoạch cụ thể, ghi ra deadline ngày nào xong phần nào của dự án, và trình bày dự án một cách chi tiết nhất có thể. Cuốn nhật kí này bạn có thể viết cho bạn đọc hoặc cho người khác đọc chung nữa, tùy vào đối tượng đọc mà bạn viết với mức độ chi tiết ra sao. Tôi đã rất hào hứng và áp dụng nhật kí khoa học cho học sinh lớp STEM tôi đang dạy, và tôi bể. Tất nhiên bể là do tôi chớ không phải do cuốn sách bày tầm bậy đâu nhé!!
b) Chọn lĩnh vực: Cuốn sách liệt kê ra một số lĩnh vực lớn liên quan đến khoa học tự nhiên, ví dụ: Nông nghiệp, Thiên văn, Sinh học, Sinh thái học (ecology), Khoa học Trái đất, Toán học, Vật lý, Hóa học, Động vật học, v.v...
Chọn lĩnh vực nào thì tùy thuộc vào sở thích và sở trường của từng học sinh.
c) Thực hiện nghiên cứu các chủ đề trong lĩnh mà bạn vừa chọn, và sau đó chọn ra chủ đề của bạn (Ví dụ: Bạn chọn lĩnh vực Vật lý, sau đó bạn chọn tiếp chủ đề Năng lượng để thực hiện dự án). Đây là bước mà bạn thu thập các thông tin, các sự thật, các kiến thức xung quanh mảng đó. Bạn có thể lấy thông tin từ thế giới xung quanh, từ những người có kinh nghiệm hoặc những nguồn kiến thức như tạp chí hoặc sách khoa học, giáo viên, người hướng dẫn hay thậm chí bạn của bạn, từ đó chọn ra một chủ đề mà bạn hứng thú nhất.
d) Thực hiện nghiên cứu về dự án là bước tiếp theo, tức là bạn sẽ nghiên cứu chủ đề sâu hơn một xíu nữa với mục tiêu là nhận ra được những phần của dự án như: những vấn đề, những giả thuyết, những thí nghiệm thường gặp liên quan đến chủ đề của bạn. Một lần nữa bạn lại tìm thông tin từ sách, tạp chí, thầy cô và các chuyên gia. Việc đọc rộng các tài liệu liên quan đến chủ đề mà bạn chọn có thể giúp bạn hiểu sâu hơn về nó và biết được người khác đang nghiên cứu và tìm kiếm cái gì. Bạn cũng cần chắc chắn rằng bạn sẽ ghi đầy đủ thông tin nguồn tài liệu mà bạn đọc trong dự án của bạn.
e) Xác định vấn đề cụ thể mà bạn sẽ tiến hành dự án đề khảo sát: Bạn muốn tìm ra cái gì? Câu hỏi nào bạn muốn trả lời? Dự án có thể là thí nghiệm kiểm tra mối liên hệ giữa 2 biến có tên gọi là biến độc lập , biến phụ thuộc và biến kiểm soát.
Để các bạn hiểu rõ biến phụ thuộc (dependent variable), biến độc lập (indendent variable) và biến kiểm soát (controlled variable) là gì, tôi muốn show cho bạn video sau:
Quá sức dễ hiểu đúng không nào? Chỉ cần bạn tra youtube là có rất nhiều video như thế này.
Bên cạnh đó, trong sách còn có đề cập đến thí nghiệm control, tức là một thí nghiệm khác thực hiện song song, dùng để so sánh với thí nghiệm có chứa 3 biến độc lập-phụ thuộc-kiểm soát. Câu hỏi bạn muốn nghiên cứu cũng phải rõ ràng, ví dụ “Nước ảnh hưởng như thế nào lên sự hô hấp của cá” là một câu hỏi không tốt, bởi vì có quá nhiều biến độc lập cần khảo sát (nhiệt độ, độ pH, …), với cả cá thì có nhiều loại nữa. Thay vì vậy, bạn có thể hỏi là “Nhiệt độ của nước ảnh hưởng như thế nào lên sự hô hấp của cá vàng?”. Chỉ cần 1 biến độc lập là đủ. Đây có lẽ là phần thay đổi tư duy của tôi nhất mà cuốn sách đã đem lại cho tôi.
f) Sau khi bạn xác định vấn đề bạn muốn nghiên cứu thì bạn có thể đặt giả thuyết, tức là một dự đoán về một kết quả dự án của bạn dựa trên kiến thức hoặc những nghiên cứu đã có từ trước. Một giả thuyết có thể được phát biểu dưới dạng câu “Nếu ….thì…” hoặc ở dạng một statement khác.
Ví dụ: Bạn muốn trả lời câu hỏi: “Loài bướm đêm bị thu hút bởi ánh sáng trắng hay ánh sáng vàng nhiều hơn?”
+Biến độc lập: Màu sắc
+Biến phụ thuộc: Sự thu hút của mấy con bướm đêm theo màu sắc
+Giả thuyết: Bướm đêm sẽ bị thu hút bởi ánh sáng trắng hơn ánh sáng vàng, hoặc là, nếu ánh sáng tương tự với ánh sáng trắng của Mặt trăng thì bướm đêm sẽ bị thu hút – nghĩa là chúng bị thu hút bởi ánh sáng trắng (Điều này dựa trên nghiên cứu trước đó rằng bướm đêm sử dụng ánh sáng trắng của Mặt trăng để xác định hướng đi).
g) Sau khi đã có giả thuyết, bạn sẽ thiết kế thí nghiệm kiểm chứng giả thuyết đó. Quy trình thiết kế thí nghiệm như thế nào thì bạn nên đọc trong sách hơn là nghe tôi phân tích, vì nó khá chi tiết và mang nhiều nội dung quan trọng.
h)Tiến hành xong thí nghiệm, bạn cần thu thập dữ liệu thô, bao gồm những quan sát mà bạn thu thập được. Những quan sát đó có thể phân thành quan sát định tính (qualitative observation) và quan sát định lượng (quanlitative observation). Quan sát định tính là sự mô tả những tính chất về mặt vật chất của vật, như là nó trông như thế nào, phát ra âm thanh ra sao, mùi và vị của nó như nào, sờ vào nó cảm giác thế nào, v.v.. Trong khi đó, quan sát định lượng là mô tả về một lượng nào đó và con số thường được sử dụng để hiển thị mô tả này, công cụ dùng để đo có thể là cân, thước, đồng hồ bấm giờ, v.v…Sau khi có được dữ liệu, bạn tiến hành xử lý, biểu diễn lại và phân tích. Phần này sách cũng viết rất kỹ, bạn nên đọc để hiểu sâu hơn.
i) Những bước cuối cùng là tạo bản tóm tắt cho dự án, thiết kế project display và chuẩn bị nội dung thuyết trình cũng như lên kế hoạch phát triển sản phẩm của bạn. Có quá trời lời khuyên hữu ích được đưa ra trong mục này.
2/40 SAMPLE PROJECTS
Với 40 câu hỏi cùng dự án mẫu, cuốn sách này tạm thời có thể đánh đố bạn kha khá thậm chí dù bạn có là người lớn đi chăng nữa. Điểm đặc biệt là projects có trong sách chỉ nêu ra một số kiến thức nền và gợi ý về các biến mà thôi, còn lại thì tự bạn phải thực hiện. Một số câu hỏi dự án trong sách như sau:
+Độ to của nhạc nền trong lúc làm bài kiểm tra ảnh hưởng như thế nào đến trí nhớ ngắn hạn?
+Diện tích bề mặt ảnh hưởng như thế nào đến tốc độ bay hơi của nước (là lượng nước bốc hơi trên một đơn vị thời gian)?
+Màu sắc của ánh sáng chiếu đến cây ảnh hưởng như thế nào đến tính hướng sáng của cây?
Quả thật các câu hỏi này rất khó nhưng mà siêu siêu thú vị. Tôi nghĩ cuốn sách này không chỉ giành cho trẻ con đâu mà còn rất phù hợp với người lớn nữa đấy!
Sách rất dễ đọc, trình bày rõ ràng, rành mạch, cụ thể. Có lẽ vì tôi thích sách quá nên không dám đọc nhanh sợ hết, vì tôi thấy 40 projects như 40 câu chuyện ngắn rất hay, nếu ngẫm nghĩ và tiến hành thì lâu thật, nhưng nếu chỉ đọc không thôi thì hết cái vèo.
Tôi sẽ không để link down sách, bạn cứ search trên google sẽ ra, vì khi bạn search thì vô tình bạn sẽ tìm ra nhiều sách hay liên quan đến science project nữa.
Chúc bạn đọc vui!